Năng lượng tái tạo đang được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu của ngành năng lượng hiện nay trên thế giới.

Năng lượng tái tạo, xu thế tất yếu của thế giới và hướng đi cho Việt Nam

Năng lượng tái tạo đang được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu của ngành năng lượng hiện nay trên thế giới. Khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá dầu mở ngày càng trở nên cạn kiệt, gây ôi nhiêm môi trường nghiêm trọng, buộc các quốc gia trên thế giới phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng theo hướng sạch và bền vững. Phát triển nguồn năng lượng tái tạo đang dần chiếm vị trí quan trọng trọng sự phát triển kinh tế bền vững ở các nước, do lợi ích to lớn trong việc tận dụng tối đa nguồn thiên nhiên vô tận (như gió, mặt trời…), cũng như góp phần giảm tác động của hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hây gây ra.

Theo nghiên cứu của cơ quan năng lượng quốc tến (IEA), đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính, cung cấp một phần ba lượng điện trên thế giới, ước tính, công suất điện gió và quang điện sẽ vượt công suất của khí đốt vào năm 2023 và than đá vào năm 2024.

Tại thị trường EU

EU là một trong khu vực đi đầu trong việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng theo hướng sử xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nguồn năng lượng sạch. Ngành công nghiệp năng lượng tái tạo ở EU liên tục phát triển nhanh những năm gần đây, 6 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng 11% so với cùng kỳ 2019, góp phần tạo ra 40% tổng sản lượng điện cho 27 quốc gia trong khu vực.Với quyết tâm mạnh mẽ trong việc chuyển đổi hướng đi ngành năng lượng, EU đặt mục tiêu sẽ tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sinh học lên 60% vào năm 2030, và tăng cường công suất điện gió ngoài khơi lên gấp 25 lần vào năm 2050, để đạt mục tiêu trung hòa khí thải các bon năm 2050. Để đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch “Năng lượng sạch cho toàn châu Âu”, cuối năm 2018 các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đã thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về gói đầu tư trị giá 873 triệu euro cho các dự án lớn của châu Âu về cơ sở hạ tầng năng lượng sạch, bao gồm 17 dự án. Trong đó, 680 triệu euro đầu tư cho 8 dự án thuộc lĩnh vực điện và193 triệu Euro cho 9 dự án khác liên quan tới khí đốt. Các dự án liên quan tới lĩnh vực năng lượng tái tạo này sẽ đẩy mạnh liên kết và tăng cường an ninh cho mạng lưới năng lượng trên toàn châu Âu. Theo đó, các thành viên EU sẽ nhanh chóng chuyển đổi sang nền kinh tế có mức độ thải khí các-bon thấp, an toàn sức khỏe cho người dân và góp phần tăng khả năng cạnh tranh cho nhiều ngành công nghiệp. Liên minh năng lượng sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của EC nhằm chuyển đổi châu Âu sang một nền kinh tế sạch, hiện đại và bền vững.

Tại thị trường Mỹ

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của phát triển bền vững gắn liền với đảm bảo nguồn năng lượng tái tạo, để giảm dần những vấn đề môi trường gây hại sức khỏe từ các nhà máy năng lượng sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch, Chính phủ Mỹ đã đầu tư rất lớn cho việc phát triển cơ sở hạ tầng các nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo, cũng các ngành công nghiệp sản xuất thay thế dần động cơ sở dụng năng lượng sạch.

Trong giai đoạn 2011 - 2014, tại California đã xây dựng 2 nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới. Đó là Trang trại quang điện Topaz (công suất 550 MW) được đầu tư khoảng 2.5 tỷ USD, đi vào hoạt động năm 2014. Nhà máy điện mặt trời thứ hai là Ivanpah (với công suất 392 MW) có tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD, được xây dựng trên diện tích khoảng 13km2, tại sa mạc Mojave, bang California, được vận hành năm 2014. Trong năm 2019 Hoa Kỳ, đã đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ trong ngành sản xuất năng lượng tái tạo, tăng 19% so, cao nhất trong những năm trước đó, sản xuất được 720,4 TWh điện tái tạo với các nguồn như điện mặt trời hoặc năng lượng địa nhiệt. Thành phố Babcock Ranch ở bang Florida (Mỹ) vào thời điểm cuối năm 2018 đã trở thành một trong những thành phố bền vững và thân thiện với môi trường bậc nhất trên thế giới. Tại đây, 100% điện năng sử dụng đều là từ năng lượng tái tạo và áp dụng theo công nghệ điện lưới thông minh.

Trong nghiên cứu "Triển vọng năng lượng tái tạo" do Cơ quan Thí nghiệm năng lượng tái tạo quốc gia (NREL) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ tiến hành cho thấy, Mỹ là một trong những nước sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, đi tiên phong trong lĩnh vực này, có thể sản xuất điện năng phần lớn từ năng lượng tái tạo vào năm 2050. Hầu hết các nhà máy nhiệt điện than và nhà máy điện hạt nhân sẽ ngừng hoạt động vào năm 2030 nhưng những nhà máy còn lại sẽ hoạt động đến năm 2050. Nghiên cứu nói trên cho rằng Mỹ có thể sản xuất ra 80% điện năng từ năng lượng tái tạo bằng công nghệ hiện có, bao gồm turbine gió, điện quang mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh học, địa nhiệt và thủy điện.

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành năng lượng tái tạo thay thế dần cho năng lượng sử dụng hóa thách đang diễn ra quốc gia đi đầu nền kinh tế thế giới, càng cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế phải gắn liền với việc phát triển năng lượng bền vững, an toàn.

Tại thị trường Trung Quốc

Từ một đất nước sử dụng phần lớn dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch (than, dầu mỏ, khí đốt…), Trung Quốc xem trọng việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo là nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển nền kinh tế dẫn đầu thế giới. Điều đó được nhấn mạnh trọng kế hoạch hiện đại hóa công nghiệp “Made in China 2025”, mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Theo tổng kết của Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc về năng lượng tái tạo, năm 2004 Trung Quốc mới đầu tư vào lĩnh vực này là 3 tỷ USD, nhưng đến năm 2015 tăng lên là 103 tỷ USD, vượt qua cả Mỹ là 44.1 tỷ USD, và chiếm khoảng 36% đầu tư của các nước trên toàn thế giới. Trong tổng kết kế hoạch 5 năm từ 2016 - 2020, tổng đầu tư Trung Quốc vào ngành công nghiệp này đã lên đến hơn 360 tỷ USD, riêng lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo hiện đang có khoảng 3.5 triệu người, đông nhất so với các nước khác trên thế giới.

Theo Cục Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA), dự kiến năm 2021 tổng sản lượng điện từ các nhà máy năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ đạt 11% trong tổng sản lượng tiêu thụ điện cả nước, cao hơn năm 2020 (9.7%), mục tiêu sẽ đạt 16.5% vào năm 2025. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng tỷ trọng của nhiên liệu tái tạo trong tiêu thị năng lượng sơ cấp lên khoảng 25% vào năm 2030. Đây được coi là mục tiêu chính nằm trong cam kết của Trung Quốc cắt giảm lượng phát thải carbon trước năm 2030, và là một phần của chương trình cải tổ toàn diện năng lượng quốc gia, nhằm cắt giảm dần các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ôi nhiễm môi trường.

Trong vài năm gần đây, ngành năng lượng tái tạo được chính phủ hết sức chú trọng, là mục tiêu chính của việc phát triển và mở rộng phạm vi tầm ảnh hưởng của quốc gia trên toàn thế giới, nên trong ngành công nghiệp này đang có sự chuyển dịch và phát triển tốc độ. Chỉ từ năm 2018 đến nay, công suất điện mặt trời tăng 700 lần, công suất điện gió tăng gấp 22 lần, xuất khẩu của ngành này sang các nước khác càng ngày càng tăng (chủ yếu là pin năng lượng mặt trời). Đây chính là động lực giúp cho tổng công suất điện mặt trời và công suất gió của toàn cầu tăng gấp 33 lần kể từ năm 2018.

Hiện giờ với vị trí là quốc gia đứng đầu về sản lượng năng lượng tái tạo, Trung Quốc đưa vị thế tầm ảnh hưởng của quốc gia lên tầng cao mới, tác động lên cả nền công nghiệp phụ thuộc lớn vào nguồn năng lượng, cũng như thương mại, và cả nền kinh tế đất nước. Đây còn được coi như một “vũ khí then chốt” để thay đổi quan hệ thương mại với các nước khác, cũng như hình thành các liên minh mới mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia cả lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị.

Ở thị trường Việt Nam

Theo nhận định của giới chuyên gia Việt Nam là quốc gia hội tụ những đặc điểm địa lý, khí hậu lý tưởng cho việc sản xuất các loại năng lượng tái tạo.Với vị trí địa lý có đường biển dài, thời tiết của khu vực nhiệt đới nhận được lượng nhiệt mặt trời tương đối lớn… đây là một trong những tiềm năng rất lớn để Việt Nam xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo như nhà máy năng lượng mặt trời, nhà máy năng lượng gió. Việc này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong định hướng phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tương lai, cũng như an ninh năng lượng. Phát triển năng lượng tái tạo còn đang là cuộc chay đua năng lượng của các nước trên thế giới tạo nên vị thế cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Điều này cho thấy Việt Nam cũng không thể chẫm trễ trong lĩnh vực này, khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo để tạo sức cạnh tranh cho cả nền kinh tế.

Nhận thấy tầm quan trọng hàng đầu của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, nên thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Bộ Công Thương cũng có Quyết định 2023/QĐ- BCT ngày 5/7/2019 phê duyệt “Chương trình phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025” và nhiều thông tư hướng dẫn cùng các chương trình kế hoạch triển khai thực hiện. Cùng với đó, phát triển nguồn năng lượng tái tạo song song với tăng cường hiệu quả sử dụng điện trọng sinh hoạt cũng như sản xuất nhằm giảm chi phí và các tác động tiêu cực đối với môi trường và sức khỏe người dân.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 128,51 tỷ kWh, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020; Trong đó, năng lượng tái tạo (gồm: điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) huy động được 14,69 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 11,4% trong tổng sản lượng.

Cơ cấu ngành điện

Tỷ trọng sản lượng huy động của một số loại hình nguồn điện chính trên tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống như sau:

+ Thủy điện huy động đạt 30,46 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 23,7%.

+ Nhiệt điện than huy động đạt 66,67 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 51,9%.

+ Tua bin khí huy động đạt 15,66 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 12,2%.

+ Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) huy động đạt 14,69 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 11,4%.

+ Điện nhập khẩu đạt 624 triệu kWh, chiếm tỷ trọng 0,5%.

+ Nhiệt điện dầu huy động không đáng kể, đạt 02 triệu kWh.

Tiềm năng phát triển ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong số 14 nước trên thế giới đứng đầu về tiềm năng thủy điện. Với thủy điện hiện nay Việt Nam có trên 120.000 trạm thủy điện, có tổng công suất ước tính đạt khoảng 300MW. Lợi thế đường biển dài theo chiều dọc đất nước, nên Việt Nam có nhiều tiềm năng khai thác năng lượng gió, tổng tiềm năng ước đạt 513.360 MW. Các khu vực đang được khai thác điện gió và có nhiều tiềm năng tập trung chủ yếu ở vùng duyên hải miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, … và các đảo.

Với vị trí địa lý nằm ở khu vực cận xích đạo, nên Việt Nam có nhiều tiềm năng tận dụng được nguồn năng lượng mặt trời, với tổng số giờ nắng cao lên đến trên 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2/ngày, theo hướng tăng dần về phía Nam. Đây là một lợi thế cho Việt Nam khai khác nguồn năng lượng tái tạo này, để phục vụ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt người dân. Hiện nay, ngày càng nhiều hộ gia đình nhận thấy nhiều lợi ích từ việc sử dụng thiết bị tấm pin năng lượng mặt trời để sử dụng vào những nhu cầu hàng ngày, giúp tiết kiệm được một khoản chi phí cho gia đình.

Với sự phát triển bùng nổ của ngành năng lượng tái tạo ở các nước phát triển trên thế giới, nên xuất hiện ngày càng nhiều nhà đầu tư với số vốn lớn và nắm giữ công nghệ và quy trình, kỹ thuật vận hành nhà máy năng lượng tái tạo. Đây cũng chính là một tiềm năng cho Việt Nam, để thu hút những ông lớn trong ngành này xuất khẩu đầu tư phát triển năng lượng tái tạo đang còn non yếu ở nước ta.

Định hướng

Nhận thức được tầm quan trọng của năng lượng tái tạo, Đảng, Nhà nước ta đã thể hiện sự quan tâm tới phát triển năng lượng tái tạo một cách xuyên suốt từ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần IX của Đảng năm 2001. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18 tháng 03 năm 2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến 2030 và các cơ chế chính sách khuyến khích về năng lượng tái tạo.

Cụ thể cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo: Quy định trách nhiệm mua điện và ưu tiên huy động công suất từ nguồn năng lượng tái tạo: Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo. Các nhà máy sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo được ưu tiên khai thác toàn bộ công suất và điện năng phát phù hợp với chế độ cung cấp nhiên liệu của khu vực nhà máy. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi cho chủ đầu tư, đảm bảo họ sẽ được phát tối đa công suất và bán được toàn bộ sản lượng điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo.

Cơ chế hỗ trợ về giá điện: Sản lượng điện sản xuất từ nguồn thủy điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, chất thải rắn được mua với giá cao hơn giá mua điện từ nguồn năng lượng truyền thống (thủy điện lớn, nhiên liệu hóa thạch). Các cơ chế, chính sách khuyến khích khác: Bên cạnh các ưu đãi như trên, các dự án năng lượng tái tạo còn được hưởng trợ giá đối với sản phẩm của dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM), hưởng ưu đãi về mức vốn cho vay, thời hạn cho vay, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế sử dụng đất, thuê đất, thuê mặt nước, miễn thuế bảo vệ môi trường… theo quy định ưu đãi về thuế.

Trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và phát triển nền "kinh tế xanh" đang là những ưu tiên hàng đầu đối với nhiều quốc gia trên thế giới, năng lượng tái tạo ngày càng được chú trọng. Việt Nam cần phải phát triển nhanh hơn nữa, vừa tạo thế cạnh tranh trong thời kỳ “kinh tế xanh”, vừa là điểm then chốt để đạt mục tiêu “phát triển bền vững” của đất nước và cải thiện được môi trường, khí hậu bảo vệ sức khỏe người dân về lâu dài.

Phạm Kim Oanh

Tạp chí Nghiên cứu Công nghiệp và Thương mại - VIOIT

Liên Hệ Chúng Tôi